Mỗi phiên đấu luôn có một vài tiêu điểm, đáng chú ý bậc nhất của phiên này là tác phẩm Bản giao hưởng trắng của Hoàng Tích Chù (1912-2003). Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11 (1936-1941), sau đó trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957, ngay khi hội mới thành lập. Ông giữ nhiều chức vụ trọng yếu tại Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1955-1969), tại Viện Mỹ nghệ Hà Nội, tại Hội Mỹ thuật Việt Nam… Về huân, huy chương và các giải thưởng, Hoàng Tích Chù gần như nhận tất cả các danh hiệu quan trọng nhất mà một họa sĩ tại Việt Nam có thể nhận được. Tên ông được đặt cho một con đường tại thành phố Bắc Ninh, quê nhà của ông.
Tại sao Bản giao hưởng trắng lại đặc biệt? Ngoài một họa pháp quyến rũ, giàu yếu tố nhân cảm, đầy năng lượng tích cực, tác phẩm đã được vẽ ngay sau khi Việt Nam kết thúc chiến tranh (tháng 4/1975). Cái màu trắng và bản giao hưởng của nó trở thành một chiêm nghiệm riêng của họa sĩ về chiến tranh, về giá trị của hòa bình, về gắn kết vùng miền qua hình ảnh tình chị em, như song sinh. Đặc biệt nữa, ngay thời khắc đang hừng hực khí thế chiến thắng ấy, ông đã tự tách mình ra khỏi cái nhìn quen thuộc của thời cuộc, để tạo nên bản giao hưởng hòa bình, với một ẩn dụ sâu kín.
Nhân vật trong tranh được cho là lấy hình mẫu từ chính người vợ của ông, bà Hoàng Tuyết Trinh, một tiểu thư xinh đẹp phố Hàng Bạc, Hà Nội.